16/04/2024 | lượt xem: 2 ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG KHÁM CHỮA BỆNH BHYT Ở BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHỐ NỐI Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và là một yêu cầu bắt buộc giúp các quốc gia phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ở Việt Nam, lĩnh vực y tế cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu, đồng thời cũng là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành y tế trong thời kỳ mới. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm áp lực về thủ tục hành chính, hạn chế rủi ro; tăng cường tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý. Việc áp dụng CNTT không chỉ giúp cải thiện quy trình làm việc mà còn mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Với những lợi ích thiết thực đó, những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động KCB được ngành Y tế tỉnh Hưng Yên và bệnh viện đa khoa Phố Nối quan tâm thực hiện. Dưới đây là một số ứng dụng nổi bật của CNTT trong bệnh viện. Sau 18 năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, Bệnh viện đa khoa Phố Nối đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2006, khi hoạt động khám chữa bệnh chủ yếu dựa trên giấy tờ thủ công, bệnh viện đã chuyển đổi sang phương thức ứng dụng phần mềm quản lý toàn diện. Nhờ đó, công tác khám chữa bệnh trở nên hiệu quả, minh bạch và công bằng hơn. Trước đây, việc ghi chép thông tin bệnh nhân và kê đơn thuốc đều được thực hiện thủ công, gây tốn thời gian và dễ xảy ra sai sót. Nay, với hệ thống phần mềm hiện đại, mọi hoạt động đều được số hóa, từ việc nhập liệu thông tin bệnh nhân, kê đơn thuốc đến việc quản lý kho thuốc. Bệnh nhân được hưởng lợi từ việc rút ngắn thời gian chờ đợi, nhận đơn thuốc rõ ràng và chính xác, đồng thời hạn chế tối đa các sai sót không đáng có. Nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện ngày càng phát huy tác dụng rõ rệt và gặt hái những thành quả đáng ghi nhận. Hệ thống máy tính hiện đại, kết nối mạng internet và wifi được trang bị đồng bộ trong mọi khoa, phòng, góp phần tối ưu hóa việc trao đổi và lưu trữ thông tin. Bên cạnh đó, máy chiếu, máy in và các phần mềm chuyên dụng cũng được tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Song song với việc đầu tư trang thiết bị, bệnh viện chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, coi đây là yếu tố then chốt để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ thông tin. Tại Bệnh viện Đa khoa Phối Nối, việc ứng dụng CNTT có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm giảm áp lực hành chính đối với các điều dưỡng, bác sỹ. Từ nhiều năm nay, bệnh viện đưa vào sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện với các ứng dụng cụ thể như: Phân hệ xếp số tự động; tiếp nhận thông tin bệnh nhân; quản lý cận lâm sàng và lâm sàng cho người bệnh; quản lý thanh toán viện phí và bảo hiểm y tế; … Với phần mềm này, quy trình KCB và điều trị cho bệnh nhân được thực hiện khép kín, thuận tiện cho người sử dụng, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, từ đó, tăng năng suất và hiệu quả KCB. Ứng dụng phân hệ xếp số tự động cho phép bệnh viện cung cấp số thứ tự cho người khám bệnh một cách khách quan, giúp phân luồng bệnh nhân khám theo các hình thức khác nhau như: Khám bảo hiểm y tế, khám dịch vụ… Tại phòng khám cận lâm sàng, khi đăng nhập vào chương trình, các bác sỹ có sẵn danh sách bệnh nhân chờ làm các xét nghiệm, kỹ thuật cần thiết... Cùng với đó, phần mềm quản lý bệnh viện cũng giúp Ban Giám đốc bệnh viện quản lý được tần suất sử dụng máy móc, trang thiết bị của các khoa, phòng, tránh tình trạng bác sỹ, nhân viên làm các dịch vụ cho người bệnh có thu phí mà không kê khai, báo cáo… Phần mềm quản lý bệnh viện luôn được nâng cấp và cập nhật phiên bản mới để đáp ứng phù hợp với các quyết định của Bộ Y tế, BHXH như quyết định 130 và 4750….Việc liên thông dữ liệu với hệ thống phần mềm giám định BHYT của cơ quan BHXH luôn được kết nối, quá trình tra cứu hạn thẻ BHYT, Lịch sử thẻ BHYT được các điều dưỡng cập nhật thường xuyên đảm bảo thẻ BHYT của bệnh nhân còn hạn. Đối với bệnh nhân BHYT, dữ liệu gửi lên cổng luôn được công nghệ thông tin thực hiện trong 24 giờ theo quy định của BHXH. Công tác ứng dụng CNTT tại bệnh viện được thực hiện một cách triệt để, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác trao đổi thông tin nội bộ bệnh viện với các đơn vị lân cận. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và thư công vụ chung của tỉnh được sử dụng thường xuyên, đảm bảo việc tiếp nhận và chuyển tải thông tin lên cấp trên cũng như các ban, ngành trong tỉnh. Ngoài ra, bệnh viện còn duy trì hệ thống email riêng để nhận thông tin từ các đơn vị khác. Với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác ứng dụng công nghệ thông tin, bệnh viện đã tập trung đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Hiện tại, bệnh viện sở hữu 133 máy tính, 92 máy in và 2 đường truyền Internet. Tất cả các khoa, phòng đều được trang bị điện thoại riêng, phục vụ tối đa cho công tác liên lạc và trao đổi thông tin. Năm 2024 bệnh viện đa khoa Phố Nối được Sở Y tế Hưng Yên chọn là một trong những đơn vị thực hiện đề án 06 của Bộ Y tế. Trong đó có hệ thống KIOSK thông minh tự phục vụ Medipay thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. KIOSK Mediday là dòng sản phẩm chuyên dụng phục vụ các mô hình chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số quốc gia. KIOSK có nhiều tính năng chuyên dụng, như: Đọc CCCD thẻ chíp với 18 trường dữ liệu, xác thực khuôn mặt, in phiếu, đọc QRcode,… Giải pháp KIOSK y tế thông minh giúp bệnh nhân có thể tự đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD có gắn chíp hoặc tài khoản VneID mức 2. Bệnh nhân được mở tài khoản thanh toán và thực hiện thanh toán viện phí không tiền mặt toàn diện. Giải pháp KIOSK y tế thông minh có thể liên thông với dữ liệu trên ứng dụng VNeID. Áp dụng giải pháp này sẽ thúc đẩy chuyển đổi số cho cơ sở y tế, bệnh nhân có thể tự đăng ký khám bệnh nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi, nhân viên y tế giảm áp lực khâu tiếp nhận bệnh và thanh toán viện phí. Có thể thấy, ứng dụng CNTT gắn với công tác cải cách hành chính của bệnh viện góp phần làm giảm áp lực về hồ sơ bệnh án, lưu trữ thông tin báo cáo; giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi cho bệnh nhân, nâng cao hiệu quả KCB, tránh chồng chéo trong cấp phát thuốc; tăng hiệu quả, hiệu lực cho công tác quản lý; đảm bảo tính khách quan, công bằng, tăng tỷ lệ hài lòng cho người bệnh khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nên đôi khi chưa đáp ứng được. Phần mềm đem lại nhiều thuận lợi trong hoạt động khám, chữa bệnh ở cơ sở, tuy nhiên đôi khi vẫn còn chạy chậm phải chờ đợi do máy tính chưa đảm bảo cấu hình, máy đã cũ, đường truyền chậm... đôi khi do sự cố cúp điện. Trước khi triển khai phần mềm, cán bộ đều được tập huấn, hướng dẫn, tuy nhiên với một số cán bộ y tế đã lớn tuổi thì việc sử dụng còn chưa thành thạo. Đây là những khó khăn khắc phục trong thời gian tới. Theo định hướng của bệnh viện, hoạt động khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT hướng đến xây dựng bệnh án điện tử và bệnh viện thông minh. Tuy nhiên, trước hết cần tháo gỡ những khó khăn hiện tại, cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, về kinh phí, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ y tế, đẩy mạnh tuyên truyền trong ngành y tế và các cơ sở bán thuốc tư nhân, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn để triển khai bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết trong ngành y tế, là đòn bẩy để nâng chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân, là tiền đề để quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hiệu quả, minh bạch. Phạm Thị Minh Thu – Tổ CNTT bệnh viện đa khoa Phố Nối
Hưng Yên Phát động Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Sáu bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương