Hưng Yên: Khắc phục khó khăn trong giảm tỷ lệ bệnh nhân mù lòa

Trung bình mỗi năm các cơ sở y tế tỉnh Hưng Yên thực hiện trên 2000 ca phẫu thuật giải phóng mù lòa nhưng tỷ lệ người bệnh trên địa bàn vẫn ở mức khá cao. Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, Bệnh viện mắt Hưng Yên đã có nhiều giải pháp nhằm đem lại ánh sáng cho hàng nghìn bệnh nhân, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mù lòa trong toàn tỉnh

Theo những thống kê chưa đầy đủ của Bệnh viện mắt Hưng Yên, hiện nay tỷ lệ mù lòa ở tỉnh Hưng Yên vào khoảng 0,5% dân số và mỗi năm lại có thêm hàng nghìn bệnh nhân mới cần được phẫu thuật. Nguyên nhân mù lòa chủ yếu là do bệnh đục thủy tinh thể, ngoài ra cũng có một số ít nguyên nhân khác như: dị tật bẩm sinh, chấn thương... Trao đổi với bác sỹ Đỗ Đức Thành, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện mắt Hưng Yên chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh các trường hợp đục thủy tinh thể dẫn tới mù lòa thường rơi vào nhóm người cao tuổi, số bệnh nhân ở các khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế kém phát triển, vấn đề vệ sinh không bảo đảm thì tỷ lệ người bệnh cao hơn.

Là bệnh viện chuyên khoa hạng ba với hơn 40 cán bộ, y- bác sỹ và 5 khoa phòng, Bệnh viện mắt Hưng Yên từ ngày thành lập đã lấy chương trình “giải phóng mù lòa” làm nhiệm vụ hàng đầu. Hiểu rõ vai trò quan trọng của đôi mắt đối với sức khỏe và cuộc sống của nhân dân, các y- bác sỹ của bệnh viện không ngừng được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Đến nay, bệnh viện đã chủ động thực hiện được khoảng 80% kỹ thuật phân tuyến, trong đó có nhiều kỹ thuật mới, phức tạp như: Mổ mộng ghép giác mạc tự thân, xét nghiệm nấm, phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật Glocom... Đồng thời đã trang bị được những thiết bị chuyên môn hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh như: máy mổ PHACO, máy siêu âm hệ A, hệ AB, máy sinh hiển vi khám bệnh, máy sinh hiển vi phẫu thuật... Ngoài ra, bệnh viện còn thường xuyên phối hợp, liên kết với các bệnh viện tuyến trên để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu kỹ thuật mới và thực hiện những chương trình khám chữa bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao để việc phẫu thuật giải phóng mù lòa cho người bệnh được tiến hành thường xuyên tại cơ sở.
Năm 2008, Bệnh viện mắt Hưng Yên đã tiến hành điều tra, thu dung bệnh nhân và thực hiện hơn 500 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể tại bệnh viện và gần 2000 ca phẫu thuật tại cộng đồng. Do đặc điểm những bệnh nhân mù lòa do đục thủy tinh thể thường là người cao tuổi, người nghèo, không có đủ kinh phí chi trả nên các chương trình chăm sóc mắt tại cộng đồng của bệnh viện rất có ý nghĩa với người bệnh. Kết hợp với các bệnh viện tuyến trên và tranh thủ sự ủng hộ của các nhà tài trợ, bệnh viện đã tiến hành khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 9000 bệnh nhân, phẫu thuật miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân. Bà Nguyễn Thị Hà (xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên) phấn khởi cho biết: “Do tuổi cao, tôi bị đục thủy tinh thể gần 2 năm nay, nhưng gia đình không có điều kiện phẫu thuật nên 2 mắt mờ, sinh hoạt rất khó khăn. Nhờ có chương trình mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho người nghèo mà mắt tôi đã nhìn rõ trở lại”. Thông qua các chương trình của bệnh viện, nhiều bệnh nhân mù lòa tưởng như sẽ không bao giờ còn nhìn thấy ánh sáng nữa đã nhìn được trở lại.
            Bác sỹ Thành cũng cho biết thêm, nhờ áp dụng những biện pháp kỹ thuật hiện đại, nhất là phương pháp PHACO mới, kết hợp với việc tuyên truyền phổ viến kiến thức chăm sóc và giữ gìn vệ sinh mà tỷ lệ thành công của phẫu thuật đục thủy tinh thể tại bênh viện khá cao, gần như 100% các bệnh nhân sau phẫu thuật đều phục hồi được thị lực. Theo chỉ tiêu phẫu thuật giải phóng mù lòa năm 2009 của UBND tỉnh giao là 2300 ca, Bệnh viện mắt Hưng Yên tiếp tục phối hợp với các bệnh viện tuyến trên và Trung tâm y tế các huyện có nhiều biện pháp để đẩy lùi bệnh mù lòa trên địa bàn tỉnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, bệnh viện cũng đã thực hiện được hơn 600 ca đục thủy tinh thể trong đó có khoảng 99% số ca thực hiện bằng phương pháp mổ PHACO. Khoảng trung tuần tháng 8 tới, được sự tài trợ của Hội từ thiện Việt- Úc, Bệnh viện mắt Hưng Yên phối hợp với Bệnh viện mắt Hà Nội phẫu thuật miễn phí cho 100 bệnh nhân mù lòa trên địa bàn tỉnh.

            Tuy nhiên, Bệnh viện mắt Hưng Yên còn một số khó khăn như nguồn nhân lực thiếu, đội ngũ bác sỹ nhất là các bác sỹ có tay nghề ít, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Như khi thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp PHACO vẫn phải liên kết với các bệnh viện tuyến trên, thuê thêm máy móc thiết bị và đội ngũ bác sỹ. So với tỷ lệ trung bình của toàn quốc (0,7%) thì tỷ lệ mù lòa của tỉnh Hưng Yên vẫn ở mức khá cao, nhất là ở các vùng nông thôn. Trước mắt bệnh viện cần chủ động được các kỹ thuật mới, làm tốt công tác thu dung bệnh nhân để phát hiện sớm người bệnh và chữa trị kịp thời. Đời sống của người dân càng được nâng lên thì những nhu cầu về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” lại càng được chú trọng. Nếu được các ngành chức năng quan tâm hơn và được đầu tư đồng bộ hơn, Bệnh viện mắt Hưng Yên sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần đẩy lùi bệnh mù lòa ngay tại cơ sở và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Báo Hưng Yên điện tử

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
42 người đang online