27/09/2021 | lượt xem: 10 Hưng Yên dự họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 Ngày 25.9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp. Dự họp tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; thành viên Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh… Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hưng Yên Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 24.9, cả nước ghi nhận khoảng 734 nghìn ca mắc, trong đó 503 nghìn người đã khỏi bệnh, 18 nghìn ca tử vong. Số ca mắc và tỷ lệ tử vong giảm dần trong tuần qua. Đã có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc. Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Cả nước đã tiêm được 37,6 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bao gồm các chỉ số để đánh giá và các biện pháp thực hiện theo các cấp độ nguy cơ; theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp khi triển khai tại cấp xã, phường, thị trấn; bám sát việc triển khai theo hệ thống chính trị để có sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Công tác an sinh xã hội triển khai đầy đủ; triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn… Tuy vậy, việc tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch Covid-19 vẫn là khâu yếu cần tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, khắc phục. Ở một số địa phương, tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch. Có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan khi mới kiểm soát được một số mục tiêu, chỉ tiêu; còn tình trạng tập trung đông người; nhiều người dân còn chủ quan khiến dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào… Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đại diện các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid -19, đánh giá các biện pháp, bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua; thảo luận, góp ý vào dự thảo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”… Dự báo dịch Covid-19 trên thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn. Trong nước, dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan ra các địa phương khác. Bên cạnh đó, phần lớn các trường hợp mắc không có triệu chứng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là: Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế phù hợp với năng lực đáp ứng của hệ thống y tế, diễn biến và kết quả công tác phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch; tổ chức cách ly nghiêm ngặt, xét nghiệm nhanh, điều trị ngay tại cơ sở. Các tỉnh không thực hiện giãn cách xã hội cần chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập; khi phát sinh ổ dịch mới cần nhanh chóng triển khai truy vết, khoanh vùng, cách ly, phân loại để chăm sóc, điều trị phù hợp. Đẩy nhanh thực hiện chiến dịch tiêm chủng ngay khi được phân bổ vắc xin phòng Covid-19. Tiếp tục thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự; thường xuyên rà soát về nhân lực, vật tư, thiết bị y tế, cơ sở điều trị để đáp ứng với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc mua bán vật tư, sinh phẩm, thuốc, vắc xin, trang thiết bị phòng, chống dịch. Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu: Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn với tinh thần xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tăng cường công tác vận động, huy động người dân tham gia tích cực phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội, tuân thủ đầy đủ yêu cầu 5K của Bộ Y tế; phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống truyền thông và mạng lưới thông tin cơ sở, vận động, kêu gọi để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm. Các địa phương cần chuyển đổi sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội… Theo Báo Hưng Yên
Đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi, động viên và tặng quà bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế thăm, chúc Tết cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện.
138 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19
Hưng Yên: Điều chỉnh thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR đối với người vào tỉnh