Y tế Hưng Yên hướng tới “Số hóa” ngành Y

Xu hướng “số hoá” đang bao trùm các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện thực hoá chủ trương chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế Hưng Yên đang có những bước đi mạnh mẽ thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động mà đối tượng hưởng lợi đầu tiên là người bệnh. Dĩ nhiên, vẫn cần một bước nhảy dài để hướng tới xây dựng hệ thống y tế thông minh từ công tác quản trị, khám, chữa bệnh cho đến chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Hệ thống truyền tin ưu việt

Bắt đầu từ năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại bệnh viện (được gọi là hệ thống PACS). Đây là hệ thống đã ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia và được đánh giá cao trong lĩnh vực CNTT y tế tại Việt Nam.

PACS (Picture Archiving and Communication System) là hệ thống thu nhận, lưu trữ, xử lý và truyền tải ảnh trong y tế. Nói một cách dễ hiểu, hệ thống PACS có khả năng thay thế hoàn toàn hệ thống in film tương tự thành hệ thống film số hóa. Khi sử dụng hệ thống PACS, toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trực tiếp lên các thiết bị lưu trữ số. Ngoài ra, Hệ thống PACS cho phép bác sỹ chẩn đoán hình ảnh truy cập dữ liệu bệnh nhân để tiến hành đọc phim gần như ngay tức thì sau khi kỹ thuật viên thực hiện xong việc chiếu chụp cho người bệnh. Do vậy, người bệnh sẽ có kết quả nhanh, chính xác hơn nhờ các công cụ được hỗ trợ tích hợp sẵn trong hệ thống PACS.

Theo bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, PACS kết nối hai chiều với hệ thống máy chiếu chụp và kết nối với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện; do đó toàn bộ thông tin của người bệnh được tự động hóa và chính xác tuyệt đối. Hệ thống này cũng cho phép tự động truy tìm lược sử bệnh án của bệnh nhân trong toàn bộ quá trình điều trị, do đó bác sỹ sẽ có dữ liệu để đánh giá hiệu quả quá trình điều trị cho bệnh nhân. Các công cụ hỗ trợ chẩn đoán từ xa của hệ thống PACS giúp các bác sỹ thực hiện công tác chuyên môn mọi lúc, mọi nơi.
Ứng dụng chưa đầy một năm, song đã có không ít người bệnh được cứu sống kịp thời nhờ tính ưu việt của hệ thống PACS. Trong khá nhiều trường hợp được các bác sĩ nhắc đến, tôi ấn tượng với một bệnh nhân lớn tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê, yếu liệt người, khám cấp cứu ban đầu chẩn đoán nhanh tình trạng khuyết thiếu thần kinh (theo dõi đột quỵ não). Bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính để phân loại tổn thương đột quỵ, kết quả xác định bệnh nhân đột quỵ thể nhồi máu não. Qua khai thác bệnh sử bệnh nhân xác định thời điểm đột quỵ trong thời gian “giờ vàng” (3 giờ đầu), bệnh nhân được chỉ định điều trị tiêu sợi huyết.

Ứng dụng CNTT - Đan xen thuận lợi, khó khăn

Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về không dùng tiền mặt trong thu học phí, viện phí và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, sau một thời gian chuẩn bị, từ năm 2022 một số đơn vị trực thuộc đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt như: Dịch vụ thanh toán qua QR, dịch vụ thanh toán bằng thẻ thông minh và dịch vụ thanh toán qua Web.

Đối với bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều thuận lợi như: Tránh được việc thu về tiền giả, hệ thống báo cáo không phải kiểm đếm lại, văn minh, vệ sinh, hạn chế tiếp xúc tiền mặt trong tình hình dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Thu viện phí bằng tiền mặt, các quỹ nhỏ sẽ thu về tổng quỹ, rồi chuyển nộp ngân hàng, sau đó sang kho bạc hoàn toàn đều làm thủ công thì nay chỉ thao tác trên máy, hạn chế tối đa sai sót. Nếu có trục trặc thì việc tra soát lại cũng thuận lợi hơn nhiều.

Không ngừng hành động để người bệnh hài lòng, việc triển khai hệ thống quẹt thẻ, lấy số tự động tại khu vực đăng ký khám bệnh cách đây hơn 1 năm được coi là một trong những biểu thị đầu tiên về ứng dụng CNTT. Tại Khoa Khám bệnh, 2 máy lấy số tự động và quẹt thẻ (BHYT) tự động được đặt để giúp bệnh nhân đang được quản lý ngoại trú các bệnh mãn tính không còn phải xếp hàng dài chờ đợi như trước đây.

Có một thực tế là mặc dù có rất nhiều lợi ích khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện như: Giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân khi thanh toán, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình thanh toán, giảm thời gian kiểm kê cho nhân viên tài chính so với dùng tiền mặt… song hình thức này chưa có nhiều người lựa chọn. Nguyên nhân là bởi hầu hết người bệnh và người nhà vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, trong khi đó, có khoảng từ 75-85% bệnh nhân đến khám có thẻ BHYT, số tiền đồng chi trả không quá nhiều. Theo chia sẻ của các cán bộ phòng Tài chính kế toán, khi đơn vị chưa triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, không có nhiều bệnh nhân hỏi đến dịch vụ này. Những người cần đến dịch vụ thanh toán qua thẻ ngân hàng hay chuyển khoản chủ yếu liên quan đến tình trạng bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân phải thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu có chi phí lớn.

Cần một bước nhảy dài

Theo báo cáo kết quả ứng dụng CNTT năm 2022 của Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị trong ngành, kế toán trưởng các đơn vị đã được cấp và sử dụng chứng thư số. Hiện tại, 100% bệnh viện, các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc có hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS). Các phần mềm chuyên ngành như: Hệ thống thông tin Tiêm chủng Quốc gia, báo cáo bệnh truyền nhiễm, hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành Dân số - KHHGĐ, phần mềm quản lý người nhiễm HIV… được duy trì. Tất cả các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành đều xây dựng lộ trình triển khai bệnh án điện tử, trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi bước đầu hình thành bệnh án điện tử. Hệ thống quản lý Hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR) tại 155 trạm y tế tiếp tục được triển khai, nâng cấp, cập nhật tính năng.

Có ý kiến cho rằng, COVID-19 đã làm bộc lộ những khoảng trống, nguy cơ thực sự với hệ thống y tế của chúng ta, và chuyển đổi số được cho là có thể lấp đầy những khoảng trống này. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ phải hoạt động hài hòa với cả hệ sinh thái y tế để mang lại giá trị lớn nhất cho người bệnh, thầy thuốc và các nhà quản lý bệnh viện.

Y tế là một trong những ngành trọng điểm được Chính phủ ưu tiên chuyển đổi số. Người dân đang rất kỳ vọng về kế hoạch triển khai bệnh viện “3 không” của ngành Y tế: Không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán tiền mặt. Không thể phủ nhận, chuyển đổi số vừa là nhu cầu vừa là xu thế tất yếu hoàn thiện bệnh án điện tử và lộ trình hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh. Tuy nhiên, tầm nhìn cũng như điều kiện của các bệnh viện về chuyển đổi số là không đồng đều, do vậy, để có thể khai thác những tiềm năng to lớn, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong ngành Y tế cần phải có đơn vị mạnh dạn đi đầu. Tin rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản trị, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ là một bước nhảy dài, cổ vũ ngành Y tế Hưng Yên sớm hoà nhập vào xu hướng chuyển đổi số đang mở rộng trên toàn cầu và trong cả nước.

 


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
30 người đang online