Ứng dụng công nghệ thông tin phát triển y tế Hưng Yên

Công nghệ thông tin (CNTT) có thể nói đã thay đổi mọi mặt của xã hội. Trong y tế, CNTT không chỉ giúp hoạt động chuyên môn về khám chữa bệnh, y tế dự phòng được nâng cao hiệu quả; mà còn giúp giải quyết đáng kể các thủ tục hành chính trong quản lí y tế.

Cùng với hệ thống mạng xã hội và các trang báo chí chính thống, trang thông tin điện tử (TTĐT) là phương tiện để ngành y tế cũng như các đơn vị trong ngành đăng tải, phổ biến và giới thiệu đến người dân những thông tin chính thống nhất liên quan. Hiện ngành y tế đang quản lí trang của ngành (http://soyte.hungyen.gov.vn/) các đưn vị cũng có các trang web của đơn vị. Ttrang TTĐT của ngành y tế đã đăng tải nhiều văn bản của Bộ, UBND tỉnh và của ngành và hơn 800 tin, bài, ảnh. Sở Y tế đã thực hiện đúng quy định tiếp nhận và xử lí, phản ánh kiến nghị của người dân; trong năm đã tiếp nhận phản ánh kiến nghị của công dân trên chuyên mục hỏi đáp.

Sở Y tế đã công bố, công khai toàn bộ các dịch vụ công trên Trang TTĐT của ngành, trên hệ thống dichvucong.gov.vn. Tổng số dịch vụ công do cơ quan thực hiện gồm 108 dịch vụ; cụ thể có 1 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 (do tỉnh triển khai), 103 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (do tỉnh triển khai), 5 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (do Bộ triển khai)

Nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; Sở Y tế đã ra thông báo tới các tổ chức, doanh nghiệp chỉ nhận hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng (không tiếp nhận trực tiếp) đối với các thủ tục mức độ 4 (thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế) mà Sở Y tế đang triển khai. Sở Y tế cũng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và công dân đăng ký tài khoản trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, qua đó để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.

Hiện ngành vẫn duy trì tiếp nhận hồ sơ TTHC qua 2 hình thức trực tiếp và qua môi trường mạng. Việc giải quyết các TTHC chỉ khác trong khâu tiếp nhận hồ sơ ở việc tổ chức, công dân tự mang đến nộp hoặc tạo tài khoản và tự đẩy thông tin dữ liệu qua mạng. Còn tất cả các khâu giải quyết từ tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả đều được ngành xử lí trên hệ thống. Hồ sơ sau khi được tiếp nhận sẽ từ trạng thái “hồ sơ chờ phân công” đến “chờ xử lí”, “hồ sơ đạt chờ phê duyệt”, “hồ sơ đạt chờ kí duyệt”, “hồ sơ chờ trả kết quả” và cuối cùng là “hồ sơ đã trả kết quả”.

Hiện ngành y tế Hưng Yên đang triển khai ứng dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với nhóm thủ tục hành chính quản lí trang thiết bị y tế; hệ thống quản lí văn bản điều hành của Bộ Y tế (Eoffice); hệ thống quản lí cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh quốc gia, hệ thống quản lí tiêm chủng, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, hệ thống báo cáo quản lí môi trường y tế. 


Trong hoạt động nội bộ, Sở Y tế thường xuyên sử dụng và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sử dụng hệ thống quản lí văn bản điều hành, tăng cường công tác quản lí sử dụng văn bản điện tử trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Trong năm 2022 có 7750/7750 văn bản đến và 2203/2203 văn bản đi được kí số và luân chuyển trên hệ thống. Thời gian qua, ngành y tế đã tích cực ứng dụng CNTT vào tất cả các hoạt động của ngành, qua đó các lĩnh vực do ngành quản lí đều được xây dựng hệ thống thông tin, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực phục vụ cho công tác quản lí và điều hành cũng như công tác hoạch định chiến lược trong tương lai.

Hiện nay, 100% các đơn vị trong ngành y tế sử dụng hệ thống mạng LAN kết nối nội bộ trong đơn vị, sử dụng mạng internet để kết nối chia sẻ với các đơn vị, cơ quan liên quan. Tại Văn phòng Sở Y tế đã được kết nối với hệ thống mạng WAN dùng chung của tỉnh. Toàn ngành đều được trang bị máy tính đảm bảo đáp ứng triển khai ứng dụng CNTT trong công việc và trong hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, hiện ngành y tế chưa có hệ thống máy chủ dùng chung cho toàn bộ cơ sở dữ liệu của ngành; một số cơ sở dữ liệu thực hiện hiện trực tuyến, có hệ thống máy chủ thuộc các đơn vị cung cấp dịch vụ được các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế triển khai (Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, hệ thống báo cáo trực tuyến HIV/AIDS…). Đối với cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử: hiện này hệ thống máy chủ được đặt tại đơn vị cung cấp dịch vụ là Tập đoàn Công nghệ - viễn thông quân đội (Viettel) cung cấp; cơ sở dữ liệu quản lý bệnh viện (HIS) thì hệ thống máy chủ được đặt tại các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành. Hiện ngành y tế cũng chưa có hệ thống lưu trữ toàn bộ cơ sở dữ liệu, các dữ liệu đang được lưu trữ tại các hệ thống khác nhau, tại các đơn vị phát triển hoặc tại đầu mối trung ương triển khai.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của Sở Y tế đã được tiếp nhận trực tiếp và trực tuyến tại trung tâm hành chính công của tỉnh; tỉ lệ thủ tục hành chính công của Sở Y tế thực hiện trực tuyến mức độ 2 trở lên đạt 100%, trong đó mức độ 3,4 đạt 99%. Toàn bộ ngành y tế đều đã sử dụng hệ thống thư điện tử phục vụ gửi, nhận văn bản; triển khai, áp dụng chữ kí số trên hệ thống quản lí văn bản và điều hành, 100% cán bộ cơ quan Sở Y tế đã được cấp chứng thư số, 100% lãnh đạo các đơn vị, kế toán trưởng đã được cấp và sử dụng chứng thư số; hàng loạt phần mềm đã được ứng dụng trong ngành như quản lí cán bộ, công chức, phần mềm cấp chứng chỉ hành nghề y, dược; phần mềm kế toán Misa; phần mềm kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh…

Trong việc xây dựng, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hiện 100% bệnh viện và các đơn vị khám chữa bệnh đều có hệ thống thông tin quản lí bệnh viện (HIS); duy trì triển khai các phần mềm chuyên ngành. Từ tháng 10/2020, ngành triển khai thí điểm phần mềm thống kê y tế tại các trung tâm y tế huyện và 155 trạm y tế, phấn đấu chuyển sang sử dụng chính thức vào năm 2021. Tại BVĐK tỉnh và bệnh viện Sản nhi, từng bước đang triển khai bệnh án điện tử và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thiện bệnh án điện tử tại 02 bệnh viện. Hồ sơ sức khỏe điện tử (HER) hiện đã được triển khai tại tất cả các trạm y tế, tiếp tục thực hiện lộ trình tích hợp dữ liệu với trung tâm dữ liệu của tỉnh, của Bộ Y tế. Thực hiện kết nối dữ liệu khám chữa bệnh tại Trạm y tế, phần mềm tiêm chủng với hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe; tiếp tục hoàn thiện điều kiện và chất lượng dữ liệu liên thông, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân trên địa bàn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng đến nay, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ngành y tế chưa có hệ thống quản lí dữ liệu toàn ngành, việc ứng dụng CNTT chưa kết nối thành một hệ thống mà còn rời rạc, cục bộ; chất lượng nguồn nhân lực CNTT còn chưa cao; hạ tầng CNTT của các đơn vị khám chữa bệnh chưa đạt nên ứng dụng bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; công tác cập nhật dữ liệu lên hệ thống còn nhiều bất cập… Với khá nhiều những vướng mắc và tồn tại như vậy, để công tác ứng dụng công nghệ thông tin của ngành đạt hiệu quả cao cần có sự quan tâm, bổ sung kinh phí của tỉnh cũng như những chính sách từ phía Bộ Y tế để hoàn thiện hệ thống mã định danh y tế và đưa vào vận hành thống nhất trên toàn quốc để việc triển khai công tác y tế đạt hiệu quả.

 


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online