Tăng giá viện phí: Người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều

Thực hiện Công văn số 1367/BYT-KH-TC ngày 21.3.2017 của Bộ Y tế về việc thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bao gồm cả chi phí tiền lương (Công văn 1367), Hưng Yên là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc diện áp dụng giá dịch vụ trên. Phóng viên Báo Hưng Yên có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Anh, Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Đề nghị bà cho biết ngành Y tế tỉnh ta đã triển khai thực hiện việc áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương như thế nào?
          Bà Nguyễn Thị Anh: Triển khai Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc (Thông tư 37), tỉnh ta đã thực hiện tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT mức giá bước một gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù từ ngày 1.3.2016 với mức tăng bình quân khoảng 30% so với giá dịch vụ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 28.8.2012 của UBND tỉnh quy định mức thu viện phí tại các cơ sở y tế công lập tỉnh Hưng Yên.
          Để tiếp tục thực hiện quy định theo lộ trình của Thông tư 37, ngày 21.3.2017, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 1367 thông báo 13 tỉnh trong đó có tỉnh Hưng Yên thực hiện mức giá bước 2. Trên cơ sở mức giá bước 1 đã áp dụng, từ ngày 1.4.2017 các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương (giá dịch vụ y tế mới).
          Ngay sau khi có Công văn 1367 của Bộ Y tế và Công văn số 742/UBND-KGVX ngày 7.4.2017 của UBND tỉnh về thực hiện Thông tư 37, Sở Y tế đã tổ chức các cuộc thảo luận, hướng dẫn các cơ sở y tế triển khai thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế mới. 
Đến ngày 10.4, 100% cơ sở y tế công lập đã cài đặt xong giá dịch vụ y tế vào phần mềm trên hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện thanh toán đối với người bệnh, đồng thời niêm yết công khai tại khu vực khám, chữa bệnh để người đến khám, chữa bệnh nắm rõ.
            Phóng viên: Bà cho biết những khó khăn, thuận lợi của ngành Y tế khi thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương?
           Bà Nguyễn Thị Anh: Mục đích việc tăng giá dịch vụ y tế nhằm tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Khi giá viện phí tính đầy đủ, Nhà nước sẽ ngưng cấp ngân sách và các cơ sở y tế phải tự cân đối thu, chi. Đó là một khó khăn khi các cơ sở y tế phải tính toán sao để bảo đảm thu nhập cho người lao động nhưng không ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y, bác sỹ trong thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân. 
         Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở y tế khá vất vả bởi đang áp dụng 3 mức giá thanh toán cho người bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc đơn vị phải cài đặt 3 giá dịch vụ khác nhau và phải giám định, phân loại bệnh án của đối tượng để thanh toán bảo đảm quyền lợi của người đi khám, chữa bệnh. 
Nguyên nhân là do hiện nay tăng giá dịch vụ y tế mới chỉ áp dụng ở đối tượng khám, chữa bệnh BHYT và đến khám, nằm điều trị nội trú từ ngày 1.4.2017 trở đi, còn đối với những bệnh nhân đã nằm điều trị nội trú trước ngày 1.4 đến nay chưa hết đợt điều trị thì vẫn được áp dụng mức giá bước 1. Đối với người dân chưa có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh thì áp dụng theo khung giá UBND tỉnh đã ban hành năm 2012. 
           Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ y tế mới cũng là động lực để các cơ sở y tế phải tự thay đổi phong cách, thái độ giao tiếp, ứng xử, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để bệnh nhân có thể tin tưởng, gửi gắm, giao phó tính mạng cho cơ sở y tế đó. 
           Phóng viên: Giá dịch vụ y tế tăng như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đối với người dân khi đi khám, chữa bệnh, đặc biệt là người nghèo, thưa bà?
           Bà Nguyễn Thị Anh: Cả 2 đợt tăng giá dịch vụ y tế (đợt tháng 3.2016 và hiện nay) đều mới chỉ áp dụng đối với khám, chữa bệnh BHYT. Người không có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh vẫn được thanh toán mức giá theo Quyết định UBND tỉnh ban hành năm 2012.
           Giá dịch vụ y tế qua 2 đợt tăng khá cao, khoảng từ 50% - 60%, tuy nhiên khi đi khám, chữa bệnh BHYT, tùy từng nhóm đối tượng Quỹ BHYT đã chi trả từ 80% đến 100%. Đối với người nghèo nếu mắc bệnh trọng phải nằm điều trị dài ngày tại các bệnh viện sẽ được Quỹ khám, chữa bệnh tỉnh hỗ trợ chi phí điều trị; hai bệnh viện: đa khoa tỉnh và đa khoa Phố Nối có trách nhiệm hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo có chi phí khám, chữa bệnh cao từ nguồn hỗ trợ của dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng. 
          Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trích một phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo. 
           Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Theo Baohungyen

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
37 người đang online