Hạ sốt đúng cách sau tiêm phòng Covid 19

- Không uống rượu bia và các chất kích thích trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, uống thuốc hạ sốt đúng chỉ định... là một số lưu ý quan trọng Bộ Y tế khuyến cáo người tiêm vắc-xin phòng Covid-19. - Sợ bị sốt sau tiêm vắc-xin, nhiều người đã uống trước thuốc hạ sốt để dự phòng, thế nhưng việc hạ sốt không đúng cách có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

Đủ kiểu ngừa sốt sau tiêm vắc-xin

 

Vốn bị viêm gan B mạn tính nên anh D.T.T. (46 tuổi) rất ngại dùng thuốc hạ sốt bởi theo anh, uống thuốc hạ sốt sẽ không tốt cho gan. Chính vì thế, khi được thông báo tiêm vắc-xin phòng Covid-19, anh T. đã bảo vợ chuẩn bị nước lá tía tô, nước dừa, nước cam để hạ sốt. Thậm chí, để "tránh sốt" trước khi tiêm vắc-xin, anh T. đã uống hết cả lít nước lá tía tô.

 

Trong khi đó, vì sợ bị sốt cao khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, chị H.P.M. (35 tuổi) đã uống ngay một viên thuốc hạ sốt Paracetamol để… dự phòng sốt cao. Chị M. cho biết nhiều người bạn chị sau khi tiêm vắc-xin dù mới chỉ sốt gần 38°C đã uống ngay một viên thuốc hạ sốt để tránh sốt cao. "Một số người cũng khuyên tôi làm như vậy" - chị M. chia sẻ.

 

Theo giới chuyên môn, những giải pháp phòng bệnh và chữa bệnh "truyền miệng" được không ít người truyền nhau đều không phù hợp. Việc uống nước tía tô trước khi tiêm vắc-xin Covid-19 không có tác dụng gì đối với việc giảm sốt hay các tác dụng phụ. Điều quan trọng nhất là người dân cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi trước khi đi tiêm. Ngoài ra, sau khi tiêm, việc uống thuốc hạ sốt để phòng ngừa cũng không cần thiết.

 

Hạ sốt đúng cách sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 - Ảnh 1.

Giới chuyên môn khuyến cáo cần hạ sốt đúng cách sau tiêm vắc-xin Covid-19

 

Các bác sĩ cho biết gần đây xuất hiện một số ca cấp cứu do ngộ độc thuốc hạ sốt. Đáng nói là có thông tin là nếu mắc Covid-19, không cần đo sốt cao hay thấp, cứ dùng thuốc hạ sốt liên tục 4-6 tiếng/viên, uống suốt trong vòng 7 ngày. Theo các chuyên gia điều này dễ gây nguy hiểm cho sức khỏe. "Để chữa trị bệnh, trước tiên phải xác định đúng bệnh, nhiều người khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nóng hơn mức bình thường, đã tự ý dùng thuốc, điều này không nên" - một dược sĩ khuyến cáo.

 

Với các trường hợp sốt sau tiêm vắc-xin Covid-19, nếu sốt cao từ 38,5°C trở lên có thể sử dụng thuốc hạ sốt có hoạt chất Paracetamol. Nếu sốt không giảm (trên 39 độ C), cần với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời. Nếu dùng thuốc hạ sốt không đúng liều có thể hại gan, thậm chí khi uống thuốc liên tiếp không theo chỉ định có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc gây nguy hiểm cho chức năng gan, thậm chí tử vong.

 

5 điểm lưu ý sau tiêm vắc-xin

 

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19". Theo các chuyên gia, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân là việc làm cần thiết trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, khi tiêm vắc-xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm… Nhiều trường hợp phải dùng thuốc hạ sốt. Đây là cách cơ thể phản ứng với vắc-xin và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm.

 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người được tiêm vắc-xin cần chú ý 5 điểm sau:

 

Thứ nhất, luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm phòng Covid-19.

 

Thứ hai, không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Bởi theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc-xin. Ngoài ra, không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

 

Thứ ba, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, bởi sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A. Cùng đó, nên ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm, đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.

 

Thứ tư, nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm cần theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

 

Thứ năm, thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có sốt dưới 38,5 độ C: cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước và đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Các bác sĩ cũng lưu ý, ngoài tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 vẫn cần phải tiếp tục uống thuốc điều trị bệnh lý đầy đủ. Không được ngừng thuốc trước và sau tiêm, vì việc tiêm chủng vắc-xin không ảnh hưởng đến việc điều trị hay chưa điều trị, trong đó có những người bị viêm gan B, C đang dùng thuốc kháng virus. Với những người đang dùng hằng ngày các thực phẩm chức năng hay thuốc hỗ trợ điều trị như: các loại vitamin tổng hợp hay thuốc bổ gan cũng cần tiếp tục sử dụng để phòng và hỗ trợ điều trị suy giảm chức năng gan, tăng cường thể lực, đề kháng.