Thủ tướng: Đẩy lùi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4; duy trì, thúc đẩy sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế

Suckhoedoisong.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi kết luận phiên họp thường kỳ tháng 5/2021 diễn ra chiều ngày 3/6: Phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch...

Ngày 3/6, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5/2021, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, trong đó có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương. 

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dự báo thực hiện 6 tháng và các giải pháp trong những tháng cuối năm; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước những tháng đầu năm và các giải pháp trong những tháng cuối năm; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Đề án thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030; và một số nội dung khác.

Thủ tướng biểu dương lực lượng tuyến đầu

Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2021.          Ảnh Nhật Bắc/VGP

 

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, biến chủng của virus trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm, khó lường hơn, khó kiểm soát hơn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, về tổng thể chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình; tại một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, tình hình phức tạp hơn, khó kiểm soát hơn nhưng đến thời điểm hiện tại, dịch cũng đã được kiềm chế và từng bước được đẩy lùi tại các địa bàn này.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nhất là các địa phương có dịch bùng phát như Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, các lực lượng tuyến đầu như công an, quân đội và đặc biệt là lực lượng y tế, đã nỗ lực, tích cực, chung sức, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả mà cả nước phải rất vất vả mới đạt được. Thủ tướng nêu rõ, qua 3 đợt chống dịch trước đây, chúng ta đã làm rất tốt nhưng sau đó lại xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, do đó, đợt dịch sau phức tạp hơn, khó kiềm chế hơn và gây hậu quả lớn hơn đợt dịch trước.

Thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”, kết hợp hợp lý, hài hòa, hiệu quả giữa phòng dịch và tấn công. Phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở, từ khi chưa có dịch. Tấn công là cấp bách, là đột phá; xét nghiệm chủ động ở những nơi chưa có dịch, xét nghiệm thần tốc ở những nơi có dịch; vắc xin là chiến lược, là quyết định; ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng chống dịch.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phòng chống dịch, khắc phục hậu quả, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch.

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực

Chính phủ thống nhất đánh giá, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng kinh tế - xã hội 5 tháng và tháng 5 tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định; tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt hơn 50% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi, đạt 14 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55,8 nghìn doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Trong thời điểm khó khăn, một điểm sáng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, ý Đảng hợp lòng dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đạt được kết quả nêu trên là nhờ thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự điều hành quyết liệt, đúng hướng, có hiệu quả của các cấp chính quyền; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường và giữ vững.

Tuy nhiên, vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch, có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp. Đầu tư công vẫn chậm, gặp khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ. Nhập siêu trở lại do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, trong khi đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, đây là dấu hiệu cần chú ý để tìm giải pháp.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn nhiều rườm ra. Một bộ phận người dân, người lao động mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Tội phạm, nhất là tội phạm trên mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng xã hội tương đối lớn. Công tác thông tin - truyền thông, tuyên truyền vận động người dân còn hạn chế.

Những vướng mắc, hạn chế này có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình nên đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng. Vẫn còn những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ.

Một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao. Thủ tục hành chính còn rườm rà, vướng mắc. Vẫn còn cơ chế xin-cho và tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Phân tích kỹ hơn, Thủ tướng nhắc tới tình trạng đầu tư công vẫn chậm giải ngân, nhiều cơ quan, địa phương chưa báo cáo về các vướng mắc thể chế theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 45 ngày 16/4/2021.

Đẩy lùi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế

Thủ tướng nêu rõ, tình hình sắp tới sẽ đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhưng dự báo khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thế giới và các nước quanh Việt Nam chưa kiềm chế dịch bệnh hiệu quả.

Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu đặt ra là phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch, giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh, những người yếu thế trong xã hội. Phấn đấu tối đa để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII và Quốc hội đã đề ra.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ thống nhất với Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tinh thần chung là phải rà soát, cắt giảm số lượng dự án, tập trung cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả, có sức lan tỏa cao; không để tình trạng dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực; chấm dứt tình trạng “chạy” dự án, lợi ích nhóm.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; trên cơ sở đó, làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của Đảng, Quốc hội, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Chính phủ thống nhất sự cần thiết của Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra...

Theo Suckhoedoisong.vn