Y tế Hưng Yên đổi mới bắt đầu từ chuyển đổi số

Những năm qua, ngành Y tế luôn là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm thực hiện những mục tiêu, chỉ số của ngành nói riêng và toàn tỉnh nói chung, qua đó góp phần xây dựng nền y tế thông minh, chính quyền điện tử trong ngành Y tế theo đúng lộ trình đã đặt ra.

Những năm qua, Ngành Y tế đã đưa vào sử dụng các phần mềm chuyên ngành đến tận các Trạm y tế như phần mềm tiêm chủng mở rộng, phần mềm quản lý văn bản đến - đi và một số phần mềm dự phòng khác, tạo thuận lợi cho công tác chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiết kiệm thời gian, văn phòng phẩm cho đơn vị. Việc triển khai phần mềm giúp giảm tải công việc so với việc lưu sổ sách giấy tờ theo cách truyền thống, tránh mất dữ liệu, khai thác dữ liệu kịp thời, hiệu quả.

Trung tâm Y tế tuyến huyện đẩy mạnh thực hiện quy trình khám bệnh khép kín qua phần mềm ứng dụng CNTT. Người bệnh khi đến được tiếp đón và rút số tự động, liên kết với phần mềm gọi số bệnh nhân. Từ đó, quy trình khám bệnh được thực hiện nhanh chóng, đúng thứ tự. Đồng thời, phần mềm được liên kết với các khoa, phòng chuyên môn để nhận được kết quả nhanh chóng, tạo thuận lợi cho các y, bác sĩ và bệnh nhân.

Để triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) và dự phòng, Ngành Y tế đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp cán bộ chuyên môn sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên cập nhật các phần mềm triển khai trong ngành kịp thời, hiệu quả.

Chuyển đổi số là điều thiết yếu đối với sự phát triển của Y tế (Ảnh minh họa))

Thời gian qua, việc chuyển đổi số đã làm thay đổi rất nhiều trong hoạt động của ngành Y tế. Việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử trong cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc đã được triển khai thực hiện quyết liệt. Đối với việc triển khai phần mềm dùng chung trong toàn tỉnh, hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đã được kết nối liên thông, phục vụ cho việc gửi, nhận văn bản điện tử. Hầu hết văn bản đến đều được gửi, nhận qua Hệ thống; 100% văn bản đi của Sở đã được ký số và gửi qua Hệ thống (trừ những văn bản mật). 100% đơn vị trực thuộc Sở đã sử dụng Hệ thống để gửi nhận văn bản điện tử và ký số cho tổ chức và cá nhân là lãnh đạo đơn vị. 

Công tác cải cách hành chính phục vụ người dân và tổ chức đã được Sở Y tế thực hiện có hiệu quả, thường xuyên rà soát thủ tục hành chính (TTHC) nhằm loại bỏ bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết cũng như cắt giảm thời gian tối đa trong việc giải quyết TTHC. Việc niêm yết công khai TTHC đã được thực hiện theo đúng quy định tại bộ phận tiếp nhận cơ quan Sở cũng như đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở. Hiện ngành Y tế đang cung cấp 108 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh. Trang thông tin điện tử Sở Y tế hoạt động thường xuyên, có hiệu quả. 

Các phần mềm chuyên ngành đã và đang triển khai, bao gồm: Phần mềm y tế cơ sở; phần mềm tiêm chủng quốc gia; phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm khác trong công tác quản lý cũng như chuyên môn tại đơn vị. Đến nay, 100% cơ sở y tế sử dụng phần mềm quản lý KCB của người dân và thực hiện thanh toán BHYT; 100% trạm y tế sử dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở và phần mềm KCB kết nối dữ liệu quốc gia; 100% trạm y tế đã cài đặt hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, đang trong quá trình cập nhật hồ sơ. Các cơ sở KCB, người dân được kết nối với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; phần mềm tiêm chủng mở rộng và đang triển khai phần mềm tiêm COVID-19 được sử dụng chung trong phần mềm quốc gia. Các bệnh viện lớn đang sử dụng phần mềm hội chẩn từ xa, phần mềm chuyển tải ngành trên môi trường điện tử.

Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT luôn được ngành Y tế quan tâm phát triển, tạo công cụ thuận lợi nhất phục vụ hoạt động của cơ quan Sở cũng như các đơn vị trực thuộc. 100% đơn vị (bao gồm cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc) kết nối mạng Internet tốc độ cao; triển khai mạng LAN, WAN phục vụ cho hoạt động của đơn vị. 100% đơn vị khám, chữa bệnh và cơ quan Sở được trang bị thiết bị tường lửa nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Bên cạnh đó, ngành Y tế thường xuyên quan tâm nguồn lực trong thực hiện chuyển đổi số. Cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc đều có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách CNTT, đáp ứng yêu cầu công việc, góp phần vào việc xây dựng Chính quyền điện tử trong đơn vị.

PV - tổng hợp