30/09/2023 | lượt xem: 6 Chuyên mục Hỏi đáp Câu hỏi 1: Nội dung: Cho em hỏi: em muốn thực tập nghề để xin chứng chỉ hành nghề thì thực tập ở viện nào ạ?chuyên ngành y sỹ y học cổ truyền ạ? Ngày hỏi 23/01/2023 Trả lời: Nội dung: Câu hỏi của ông (bà), Sở Y tế xin trả lời như sau: Y sỹ Y học cổ truyền bạn có thể thực tập ở các bệnh viện có khoa y học cổ truyền 10 tháng và 02 tháng ở khoa Dược bệnh viện y học cổ tuyến tỉnh hoặc bạn thực hành tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên. Ngày trả lời 23/01/2023 Câu hỏi 2: Nội dung: Cho em hỏi em đang theo học ngành y học dự phòng , em muốn học thêm chuyên khoa dã liễu có được không ạ . Nếu được em phải học ở đâu và làm những gì để được cấp chứng chỉ hành nghề ạ Ngày hỏi: 16/02/2023 Trả lời: Câu hỏi của bạn, Sở Y tế xin trả lời như sau: Về việc này bạn cần liên hệ trực tiếp cơ sở đào tạo bạn đang học. Hiện tại Bộ Y tế mới ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BYT ngày 30/11/2021 hướng dẫn thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề đối với bác sỹ y khoa và Công văn số 6797/BYT-KCB hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa lần đầu và cấp bổ sung phạm vi hoạy động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa đối với bác sỹ y khoa, bác sỹ đa khoa. Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa lần đầu đối với bác sỹ y học dự phòng Ngày trả lời: 16/02/2023 Câu hỏi 3: Nội dung: Cho em hỏi hiện tại hồ sơ xin cấp Chứng chỉ hành nghề Dược thì cần tài liệu gì ạ? Ngày hỏi: 06/3/2023 Trả lời: Câu hỏi của bạn, Sở Y tế xin trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 24 Luật Dược; Điều 3 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật dược; Điều 5 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ y tế; hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Dược bao gồm: 1) Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 155 2) Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn. Đối với các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy công nhận tương đương của cơ quan có thẩm quyền về công nhận tương đương theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định 54; 3) Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; 4) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy xác nhận thời gian thực hành theo quy định tại Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại các cơ sở nhưng phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành của từng cơ sở đó; 5) Trường hợp đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược với phạm vi hoạt động khác nhau và yêu cầu thời gian thực hành, cơ sở thực hành chuyên môn khác nhau thì hồ sơ phải có Giấy xác nhận thời gian thực hành chuyên môn và nội dung thực hành chuyên môn của một hoặc một số cơ sở đáp ứng yêu cầu của mỗi phạm vi, vị trí hành nghề. Trường hợp các phạm vi hoạt động chuyên môn có cùng yêu cầu về thời gian thực hành và cơ sở thực hành chuyên môn thì không yêu cầu phải có Giấy xác nhận riêng đối với từng phạm vi hoạt động chuyên môn; 6) Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược đối với trường hợp đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Khoản 9 Điều 28 của Luật Dược 7) Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; 8) Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận hiện không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp Ngày trả lời: 06/3/2023 Câu hỏi 4: Nội dung: Em chào anh chị. Em là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại tháng 5/2018. Sau đó, em học và có chứng chỉ đào tạo liên tục phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cơ bản 9 tháng (từ 4/5/2020- 5/2/2021) tại Bệnh viện Việt Đức. Anh chị cho em hỏi em có được cấp chứng chỉ hành nghề bổ xung chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ được không ạ. Em cảm ơn! Ngày hỏi: 15/5/2023 Trả lời: Câu hỏi của bạn, Sở Y tế xin trả lời như sau: Trường hợp của bạn thực hiện theo mục 2.2 công văn 787/BYT-KCB ngày 02/02/2021 của Bộ Y tế quy định về cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề là bác sỹ. Bạn có thời gian đào tạo sau ngày 09/7/2019 không đủ điều kiện được cấp bổ sung phạm vi chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh Câu hỏi 5: Nội dung: Cho tôi hỏi hồ sơ và thủ tục để công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế thế nào? Ngày hỏi 05/7/2023 Trả lời: Câu hỏi của bạn, Sở Y tế xin trả lời như sau:( Ngày trả lời: 05/7/2023). 1. Điều kiện về quản lý chất lượng của cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế Điều kiện về quản lý chất lượng của cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế theo Điều 8 Nghị định 98/2021/NĐ-CP như sau: - Đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 13485. - Đối với cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 98/2021/NĐ-CP, phải đáp ứng thêm các yêu cầu sau đây: + Có hệ thống theo dõi quản lý quá trình xuất, nhập, tồn kho, sử dụng nguyên liệu là chất ma túy và tiền chất, quá trình xuất, nhập, tồn kho trang thiết bị y tế, nguyên liệu có chứa chất ma túy và tiền chất; + Trang thiết bị y tế, nguyên liệu có chứa chất ma túy và tiền chất được bảo quản ở một khu vực riêng trong kho hoặc kho riêng, phải bảo đảm an toàn. 2. Hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế Theo Điều 9 Nghị định 98/2021/NĐ-CP thì hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế gồm: - Văn bản công bố đủ điều kiện sản xuất. - Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 13485 được cấp bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật. - Các giấy tờ chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 98/2021/NĐ-CP. 3. Thủ tục công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế Thủ tục công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo Điều 11 Nghị định 98/2021/NĐ-CP như sau: - Trước khi thực hiện sản xuất trang thiết bị y tế, cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế có trách nhiệm nộp hồ sơ công bố về Sở Y tế nơi đặt địa điểm sản xuất (việc xác định địa điểm sản xuất được dựa vào địa điểm ghi trong giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng). Trường hợp có nhiều địa điểm sản xuất tại nhiều tỉnh khác nhau thì phải thực hiện việc công bố theo từng tỉnh. - Khi nhận hồ sơ (bao gồm cả giấy tờ xác nhận đã nộp phí theo quy định của Bộ Tài chính), Sở Y tế trên địa bàn nơi đặt cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử về quản lý trang thiết bị y tế các thông tin và hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế. - Trong quá trình hoạt động cơ sở sản xuất có trách nhiệm lập văn bản thông báo sự thay đổi kèm theo các tài liệu liên quan đến thay đổi và cập nhật các tài liệu đó vào hồ sơ công bố đã công khai trên Cổng thông tin điện tử về quản lý trang thiết bị y tế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có sự thay đổi các thông tin trong hồ sơ công bố. 4. Yêu cầu đối với hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế Yêu cầu đối với hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế theo Điều 10 Nghị định 98/2021/NĐ-CP như sau: - Hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế làm thành 01 bộ, trong đó: + Các tài liệu trong hồ sơ được in rõ ràng, sắp xếp theo trình tự theo quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2021/NĐ-CP; giữa các phần có phân cách, có trang bìa và danh mục tài liệu. + Trường hợp tài liệu không bằng tiếng Anh hoặc không bằng tiếng Việt thì phải dịch ra tiếng Việt. Bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật. - Yêu cầu đối với một số giấy tờ trong bộ hồ sơ công bố đủ điều kiện sản xuất: + Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao có xác nhận của cơ sở đề nghị công bố đủ điều kiện sản xuất đối với Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng. + Bản gốc có xác nhận của cơ sở đề nghị công bố đủ điều kiện sản xuất đối với tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 98/2021/NĐ-CP. Câu hỏi 6: Nội dung: Doanh nghiệp của tôi muốn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc tôi đến bộ phận một cửa của SYT để nộp hồ sơ hay ở đâu? (Ngày hỏi 12/8/2023) Trả lời: Câu hỏi của bạn, Sở Y tế xin trả lời như sau: (Ngày trả lời 12/8/2023) Cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc gửi hồ sơ về Cơ quan tiếp nhận (Cục Quản lý dược /Cục Quản lý Y dược cổ truyền - Bộ Y tế), cụ thể: a) Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đối với cơ sở sản xuất đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi chỉ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị; b) Cục Quản lý Dược đối với cơ sở sản xuất đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi sản xuất nguyên liệu làm thuốc (không bao gồm dược liệu), thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, vắc xin, sinh phẩm; c) Cục Quản lý Dược đối với cơ sở sản xuất đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi đồng thời sản xuất một trong các thuốc, nguyên liệu làm thuốc quy định tại điểm a khoản này và một trong các thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định tại điểm b khoản này tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Câu hỏi 7: Tôi đi khám sức khỏe tại bệnh viện vượt tuyến thì có được bảo hiểm không.( Ngày hỏi 18/8/2023) Trả lời: Câu hỏi của bạn, Sở Y tế xin trả lời như sau: (Ngày trả lời 18/8/2023) Câu hỏi của bạn là “khám sức khỏe” hay “khám bệnh chữa bệnh”? 1. Trường hợp khám sức khỏe: Theo Điều 23, Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định, 12 đối tượng sau đây không được bảo hiểm y tế thanh toán trong đó có khám sức khỏe, cụ thể: “ (1) Các chi phí đã được Nhà nước chi trả; (2) Sử dụng chế độ điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng; (3)Khám sức khỏe; (4) Xét nghiệm, chẩn đoán mang thai không vì mục đích điều trị; (5)Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ; (6)Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ; (7) Điều trị bệnh cận thị, lác và tật khúc xạ của mắt, trừ trẻ em dưới 6 tuổi; (8)Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng; (9)Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa; (10)Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác; (11)Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần; (12) Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học”. Như vậy việc khám sức khỏe kể cả trong phân tuyến hay ngoài phân tuyến cũng không được thanh toán BHYT 2. Trưởng hợp khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến: Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật bảo hiểm y tế năm 2014, trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này: a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trong phạm vi cả nước; c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Vậy khi bạn điều trị ngoại trú, bạn sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế khi bạn khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương, còn tuyến huyện sẽ được hưởng 70%, từ ngày 1/1/2016 thì mức hưởng sẽ là 100% chi phí điều trị.